Báo An Ninh Thủ Đô – Bí ẩn “phấn nụ” xứ Huế
Sản phẩm phấn nụ đã được đóng gói. Ảnh: Internet
Vẻ đẹp huyền bí
Cuối thế kỷ 18, triều đình nhà Nguyễn ra chiếu rời đô từ Thăng Long – Hà Nội vào Phú Xuân – Huế. Kể từ đó, Huế trở thành đất Kinh thành với bao điều huyền thoại mang tính bi hùng của thời kỳ chống Pháp. Trong lúc vua chúa đương triều phải đối đầu với bao thăng trầm của lịch sử, ở chốn nội cung vẫn giữ được một bí quyết. Nhu cầu làm đẹp cho các bậc mẫu nghi và các cung phi mỹ nữ luôn cháy bỏng. Bắt nguồn từ nhu cầu đó, công thức phấn nụ đã ra đời từ đó và trải qua hàng trăm năm công nghệ làm phấn nụ Cung đình Huế vẫn còn là bí ẩn…
Tương truyền, bà Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại) cả đời chỉ dùng duy nhất loại phấn nụ, bà thọ 104 tuổi mà làn da vẫn mịn màng, không một vết chân chim. Đến năm 1945, triều đại phong kiến cuối cùng sụp đổ, các cung nữ ra khỏi cung cấm và nhiều người đã mang theo bí quyết làm phấn nụ này.
Bà Trần Thị Ái Thu, là hậu duệ được truyền nghề làm phấn nụ cho biết: “Cố ngoại trước đây là một thị nữ ở chốn hậu cung. Cố ngoại tôi lúc đó là thị nữ duy nhất được tin tưởng giao trọng trách nắm giữ công thức pha chế và trực tiếp sản xuất, cung cấp phấn nụ cho các cung tần. Sau đó cố ngoại xuất cung và đã truyền lại cho con gái, bây giờ truyền đến con gái tôi là đời thứ 4”.
Bà Công Huyền Tôn Nữ Vân, 76 tuổi chia sẻ: “Hiện nay trên thị trường bày bán các loại mỹ phẩm, ta và tây tràn lan không biết thế nào mà lần. Riêng tôi là con cháu dòng tộc, tôi đã dùng duy nhất là loại phấn nụ, tuổi đã có nhưng làn da vẫn mịn màng như gái đôi mươi”.
Bà Thu cho biết: “Phấn nụ có một điều thần bí là có thể phát hiện ra bệnh trong người. Khi người dùng lấy một mẫu bôi nhẹ lên đầu bàn tay, nếu da mà nổi lên vảy, sần sùi… thì phát hiện người đó bị bệnh; còn nếu là da mịn màng, trắng hồng thì người đó khỏe mạnh. Cho nên, phấn nụ còn là một phương thuốc thần kỳ mà thời nhà Nguyễn truyền lại ở Huế cho đến hôm nay”.
“Bí mật”… pha chế
Để có những thỏi phấn nụ thành phẩm đạt chất lượng thì phải trải qua nhiều công đoạn hết sức công phu, tuân thủ theo một quy tắc bất di bất dịch từ khâu đầu tiên cho đến khâu cuối cùng.
Phấn nụ gia truyền được làm từ cao lanh (còn được gọi là bạch đôn tử) loại thượng hạng cộng với gần 20 vị thuốc Bắc (chủ yếu là rễ các loại cây không có độc tố, tính dưỡng da cao) và một số loài hoa có tác dụng mát da và hương thơm dễ chịu. Các nguyên liệu được bảo quản hết sức cẩn thận để tránh ẩm mốc… Nguồn nước pha chế là nước mưa ở Huế, phải là nước tinh khiết, không lấy từ mái tôn, không lấy trận mưa đầu, chỉ lấy trận mưa thứ 3, 4 trở đi . Như thế mới tránh được bụi bặm, chất hóa học trong không trung. Sau khi hứng được nước trời thì phải trải qua công đoạn chưng cất để lấy những giọt nước trong và sạch rồi mới cho vào một bể lớn cách ly với môi trường tự nhiên. Đặc biệt là chỉ có thời tiết xứ Huế mới có thể sản xuất được những viên phấn nụ đạt chất lượng.
Nguyên liệu đã chuẩn bị đầy đủ, được đưa vào một phòng kín, lúc này những người nội thân mới được đích thân pha chế. Sau nhiều giờ, sản phẩm được đưa ra ngoài để nhào trộn cho đều nhuyễn, tiếp đó mới đến quy trình phơi sương, phơi nắng… và nhào nặn thành thỏi.
Bà Thu chia sẻ: “Phấn thật dùng trong một tuần là có công dụng ngay. Làn da mịn màng, trắng hồng, trị mụn và tàn nhang, giải được độc tố, giúp giảm viêm da, hạn chế quá trình lão hóa, bề mặt biểu bì ổn định, màu da mang vẻ đẹp tự nhiên”.
Mỗi thỏi phấn nụ đưa ra bán ở thị trường có giá 15.000 – 20.000 đồng/thỏi, còn nếu xuất ra nước ngoài với mức giá 15 – 20 USD/thỏi. Loại phấn được dùng trong cung đình bây giờ cũng rất được ưu chuộng, bởi không chứa độc tố, nguyên liệu được chế từ thiên nhiên nên rất tốt cho sức khỏe. Đặc biệt phấn nụ không có phản ứng phụ, có tác dụng duy trì sắc đẹp lâu dài, ngăn chặn sự xuất hiện các vết nhăn, làm liền các vết sẹo do mụn gây ra, xóa bỏ vết thâm… làn da sáng mịn màng mang lại vẻ tươi tắn tự nhiên.
Theo http://www.anninhthudo.vn