Trích Báo Người Lao Động- Phóng sự Phấn Nụ Bà Tùng

Trích Báo Người Lao Động- Phóng sự Phấn Nụ Bà Tùng

Bí quyết hoàng cung tái xuất nhân gian. Phấn nụ, bí quyết làm đẹp cho cung nữ và hoàng hậu dưới triều nhà Nguyễn được giao một cung nữ nắm giữ. Sau ngày vương triều sụp đổ, người cung nữ này đã truyền công thức pha chế phấn nụ cho con gái Trần Thị Thiểu (bà Hường là gọi theo tên chồng – phong tục người Huế).

 

Trích Báo Người Lao Động

 

“Phấn nụ bà Tùng”

Cập nhật lúc 14:10 | 03/12/2007 (GMT+7)

Bốn đời lưu truyền bí quyết làm phấn nụ từ hoàng cung triều Nguyễn, “Phấn nụ bà Tùng” ở đường Tô Hiến Thành (TP Huế) nổi danh trong và ngoài nước từ sau ngày giải phóng. Tuy nhiên, trước cánh cửa hội nhập và quy định Luật Sở hữu trí tuệ, thương hiệu này có nguy cơ bị người khác “tước đoạt” vì chưa đăng ký nhãn hiệu sản phẩm.

Bí quyết hoàng cung tái xuất nhân gian

Phấn nụ, bí quyết làm đẹp cho cung nữ và hoàng hậu dưới triều nhà Nguyễn được giao một cung nữ nắm giữ. Sau ngày vương triều sụp đổ, người cung nữ này đã truyền công thức pha chế phấn nụ cho con gái Trần Thị Thiểu (bà Hường là gọi theo tên chồng – phong tục người Huế).

Cơ sở “Phấn nụ gia truyền bà Tùng” được giữ nguyên từ trước đến nay

Muốn làm được phấn nụ phải có nước mưa Huế tinh lọc, cộng với 10 vị thuốc bắc và thứ cao lanh đặc biệt. Quá trình sản xuất một mẻ phấn nụ kéo dài hơn 1 tháng, đòi hỏi tính tỉ mỉ và kiên nhẫn cao. Thường chỉ 1/3 sản phẩm làm được đạt yêu cầu, số còn lại phải bỏ đi.

Phấn có mùi thơm chiết từ rễ hoa nhài. Màu phấn có màu của vị thuốc bắc đặc trưng. Bà Ái Thu – con gái út bà Hường – kể rằng 10 vị thuốc bắc này không tiệm nào có đủ nên phải mua từ nhiều nơi. Vì vậy, nếu không phải là con gái trong nhà được truyền nghề, không thể biết đủ tên 10 vị thuốc.

Trước khi mất, bà Hường truyền nghề lại cho con gái lớn là bà Trần Thị Hiếu (tức Tùng – gọi theo tên chồng). Bà Tùng qua Mỹ định cư truyền nghề lại cho em gái út là Bà Trần Thị Ái Thu. Tương truyền, bà Từ Cung – mẹ Vua Bảo Đại – dùng phấn nụ trang điểm, tuy 104 tuổi nhưng làn da vẫn trắng mịn, không có vết đồi mồi.

 


Từ những năm 90, phấn nụ bà Tùng nổi danh khắp nơi, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Về sau, bà Tùng theo chồng định cư tại Mỹ. Con gái bà Tùng – dược sĩ Hoàng Thị Thanh Nga – tiếp tục nối nghiệp mẹ. Bà Nga mở một cửa hàng mỹ phẩm tại bang Cali, trong đó có mặt hàng phấn nụ thu hút nhiều khách hàng người Việt và người Mỹ.  

Bà Ái Thu tìm lại tư liệu gia đình liên quan đến phấn nụ. Phấn nụ Huế tiếp tục chinh phục nhiều khách hàng nữ bởi công dụng dưỡng da, trị mụn và ngừa tàn nhang. Một khách hàng ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh nay đã ngoài 50 tuổi tự hào: “Thấy mẹ tôi hay dùng nên từ năm 20 tuổi, tôi sử dụng phấn nụ bà Tùng dưỡng da. Đến nay, tôi vẫn là khách hàng trung thành với phấn nụ Huế. Bạn cùng trang lứa thường hay hỏi tôi bí quyết gìn giữ làn da, tôi giới thiệu họ dùng phấn nụ”.

Do quy trình sản xuất gắn liền với nguyên vật liệu đặc trưng xứ Huế nên hàng năm, con, em bà Tùng đều trở về căn nhà số 34 Tô Hiến Thành, phường Phú Cát, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế làm phấn nụ. Đây được xem là nhà thờ bên ngoại, tưởng nhớ người đã truyền giữ nghề làm phấn nụ trong gia tộc.

Thương hiệu “lung lay”

Năm 1997, anh Ngô Văn Trình – cháu họ bà Hường (ông ngoại Trình là anh ruột bà Hường), quê ở Quảng Điền – được gia đình bà Tùng cho đi học nghề và ăn ở tại gia đình. Trước khi theo chồng định cư, bà Tùng truyền nghề cho em gái út Trần Thị Ái Thu. Bà Hường mất, năm 2000, bà Thu vào TP Hồ Chí Minh sống cùng chị gái và giao cho Trình trông coi nhà cùng một số giấy tờ liên quan. Năm 2004, Trình lấy vợ là Nguyễn Thị Siêu Việt Thu và tiếp tục sống tại căn nhà trên.

Biên bản cam kết giữa vợ chồng Trình và bà Tùng, Trình được ở tạm và sử dụng gian hàng sẵn có buôn bán từ tháng 2.2006 đến tháng 12.2009 nếu tuân thủ các nội dung hai bên thoả thuận. Tháng 8 vừa qua, nhận được tin báo người quen, bà Thu trở về nhà kiểm tra đột xuất, phát hiện vợ chồng Trình – Thu dựng biển bán phấn nụ lấy tên bà Tùng. Vợ chồng Trình – Thu còn uỷ quyền cho Công ty INVENCO (Hà Nội) lập tờ khai ngày 28.8.2006 xin Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cấp Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu hàng hoá với tên: “Phấn nụ gia truyền bà Tùng”, cơ sở sản xuất “đặt” tại 121 Trần Quốc Toản, Tây Lộc, TP Huế.

Bà Tùng kể lại: “Sau khi nhiều tờ báo trong và ngoài nước đăng tải. Khách hàng tìm đến mua rất đông. Một số người đi du lịch ở Huế khi trở về, đến hàng của tôi phản ánh và yêu cầu đổi sản phẩm với lý do, phấn nụ mua do Trình bán gây kích ứng da. Chị em tôi sinh nghi vì ở quê nhà hiện không bán sản phẩm này. Song, vì uy tín, đành chiều ý khách”.

Theo lời bà Ái Thu, trong lúc bà vắng nhà, vợ chồng Trình – Thu tự ý mở gian hàng buôn bán phấn nụ và trả lời trên nhiều tờ báo gây nhầm lẫn xuất xứ, tên gọi sản phẩm. Biết chuyện tên gọi sản phẩm gia truyền bị cháu họ tự ý đăng ký, ngày 1.8.2007, bà Tùng từ Mỹ viết thư gửi về cho các em. Trong thư có đoạn: “Trước khi theo chồng sang định cư tại Hoa Kỳ, chị có truyền nghề làm phấn nụ lại cho em Trần Thị Ái Thu. Ngoài dì Ái Thu ra, chị chưa bao giờ truyền nghề cho bất cứ một người nào. Cháu Ngô Văn Trình chỉ là cháu bà con xa bên ngoại, khi chị đi, cháu Trình còn độc thân”.

Tình ngay, lý gian

Trong thư bà Tùng gửi về cho hai em có nói: “Anh chị viết thư cho em hôm nay, là để xác nhận giao trọn quyền sử dụng nhãn hiệu “Phấn nụ gia truyền bà Tùng” cho Trần Thị Ái Thu. Ngoài em ra, ai làm phấn nụ lấy hiệu này đều là sản phẩm giả”.

Ngày 5.9.2007, UBND Phú Cát, TP Huế chứng nhận đơn của bà Ái Thu khẳng định: Cửa hiệu “Phấn nụ gia truyền bà Tùng” do gia đình bà Trần Thị Thiểu (tên thường gọi là bà Hường – mẹ bà Tùng) mở cơ sở đặt tại 16/1 Mạc Đĩnh Chi và 24 Tô Hiến Thành (địa chỉ mới năm 1992 là 34 đường Tô Hiến Thành). Trong thời gian làm nghề trên, gia đình bà Tùng vẫn sử dụng bảng hiệu “Phấn nụ gia truyền bà Tùng” và lưu giữ cho đến nay. Hiện bà Ái Thu còn giữ biên lai thuế sản xuất phấn nụ từ năm 1983 của tỉnh Bình Trị Thiên.

Ông Nguyễn Hùng – Trưởng phòng QLCN, Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên-Huế – cho biết: “Phòng chúng tôi chỉ có chức năng hướng dẫn làm hồ sơ đăng ký ban đầu cho những người hoạt động trong lĩnh vực thương mại hợp pháp. Sau đó, Cục SHTT xem xét và cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá. Quy định Luật Sở hữu Trí tuệ thường ưu tiên cho người nào đăng ký nhãn hiệu trước. “Phấn nụ bà Tùng” chưa đăng ký, chưa được bảo hộ nên không đủ cơ sở kết luận nhãn hiệu này bị xâm phạm. Phía Cục SHTT đang xem xét sự việc, gia đình bà Tùng phải chứng minh được người đăng ký không có quyền nộp đơn cho “Phấn nụ gia truyền bà Tùng”.

Bà Ái Thu lo lắng: “Từ ngày chị em tôi về lấy lại nhà, Trình nhiều lần đến nhà gây rối khiến tôi phải nhờ người can thiệp giúp đỡ. Hiện, gia đình tôi gặp khó khăn trong kinh doanh phấn nụ do khách hàng hiểu lầm. Chị Tùng ở Mỹ nghe tin đổ bệnh nặng, không về Việt Nam được. Chúng tôi đang nóng lòng chờ sự phán quyết từ Cục SHTT”.

Qua trao đổi, nhà sử học Phan Thuận An bày tỏ quan điểm: “Bà ngoại bà Tùng nguyên là một tùng sự ở trong cung triều Nguyễn nên nắm rõ nhiều bí quyết làm đẹp phục vụ các phi tần, trong đó có cách làm phấn nụ. Điều này có cô Dinh và cô Sen, hai người kề cận Thái hậu Từ Cung còn sống xác nhận.

Sau ngày hồi tôn (trở về gia đình) mẹ bà Hường truyền bí quyết làm phấn nụ cho con gái mưu sinh. Gia đình mẹ bà Tùng trước ở gần nhà tôi nên tôi biết truyền thống làm phấn nụ được kế thừa liên tục.

Năm 2006, trong một lần sang Mỹ, tôi có ghé thăm bà Tùng, thấy nhiều khách hàng tìm đến nhà mua phấn nụ. Điều này cho thấy “Phấn nụ bà Tùng” vẫn có một sức hút đối với phái đẹp. Tôi mong rằng, mọi chuyện sẽ được xem xét một cách công bằng, hợp tình, hợp lý”.

Ngọc Đình (Lao Động)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *