BáoTuổi Trẻ Cuối Tuần- Hương xưa phấn nụ
Thứ Hai, 09/05/2011, 07:54 (GMT+7)
Chuyên đề:
Thách thức và cơ hội cho mỹ phẩm Việt
Những dòng mỹ phẩm truyền thống:
Hương xưa phấn nụ
Trong những mảnh văn hóa cung đình Huế còn lại có cả một dòng mỹ phẩm truyền thống với những “tuyệt chiêu” về tuyển lựa nguyên liệu, chế biến và sử dụng trong trang điểm…
Phơi khô phấn nụ tại cơ sở Bà Tùng, TP Huế – Ảnh: Thuận Thắng |
Những “tuyệt chiêu” ấy chúng tôi nghe từ một cung nữ, bà Lê Thị Dinh, thường được gọi là cô Dinh – nay đã ngoài 90 tuổi – đang sống cùng con cháu trong phủ Kiên Thái Vương cạnh cung An Định, đường Phan Đình Phùng (TP Huế). Cô Dinh vốn là cháu ngoại của Kiên quận công (anh ruột vua Hàm Nghi), năm 7 tuổi được tuyển làm cung nữ hầu bà Thánh cung (mẹ vua Khải Định).
Phấn nụ từ cung cấm…
Cụ bà ngoài 90 tuổi này còn nhớ rất rõ những cách thức chế biến mỹ phẩm trong cung cấm triều Nguyễn ngày xưa. Theo lời bà, người trong cung dưỡng da bằng phấn nụ, loại phấn được làm từ cao lanh (còn gọi là bạch đôn tử) loại thượng thặng nhập. Cao lanh nguyên chất này có màu phớt hồng, nướng chín trên lửa than không khói thành màu trắng.
Người ta nạo cao lanh thành bột hòa với nước mưa trong theo công thức một phần bột năm phần nước, khuấy kỹ, để bột lắng xuống, gạn bỏ nước, tiếp tục hòa với nước mưa và gạn lọc như vậy 14-15 lần qua mấy lần vải sa nõn, cuối cùng mới lấy thìa múc thứ bột sền sệt ấy đổ lên lớp vải hoặc giấy thấm theo hình xoắn ốc như nụ hoa (nên gọi là phấn nụ), đem phơi chỗ thoáng mát. Muốn làm phấn nụ hồng thì lấy phẩm màu cánh sen (từ một số loại cỏ họa hoặc bột lá móng) cho vào lần khuấy phấn cuối cùng.
… Ra chợ bình dân
Những “tuyệt chiêu” cho nhan sắc ấy của người xưa nay được giữ ở chừng chục cơ sở làm phấn nụ ở Huế, tiếp nối làm ra một mặt hàng gần như độc quyền của đất cố đô. Cơ sở Bà Tùng trên đường Tô Hiến Thành là một trong những hiệu phấn nụ không chỉ nức tiếng ở Huế mà còn ở nhiều nơi trong nước, thậm chí cả ở nước ngoài.
Cô Lê Thùy Nhi – người được truyền nghề trực tiếp của cơ sở Bà Tùng – kể nghề phấn nụ gia truyền được truyền từ bà cố ngoại cô – bà Trần Thị Thiện – một cung nữ được giao phụ trách việc làm phấn nụ trong cung triều Nguyễn. Sau khi triều Nguyễn suy tàn, bà về lập gia đình, sản xuất phấn nụ tại gia để bán và từng bước truyền nghề cho con gái Trần Thị Thiểu.
Bà Tùng (gọi theo tên chồng – tên thật là Trần Thị Hiếu) là thế hệ thứ ba được truyền các bí quyết nghề đã lập nên cơ sở phấn nụ mang tên bà từ mấy mươi năm trước. Một thời gian sau, bà Tùng sang Hoa Kỳ sinh sống, nghề làm phấn nụ được truyền lại em gái út Trần Thị Ái Thu. Lê Thùy Nhi trở thành người nữ thế hệ thứ tư được truyền nghề dù năm nay cô chỉ vừa sang tuổi 25.
Trước làn sóng của mỹ phẩm hiện đại, từ một vài loại phấn nụ dưỡng da và làm đẹp ban đầu, cơ sở này đã phải tìm nhiều cách để cải tiến kỹ thuật, thêm bớt các thành phần và đổi mới mẫu mã để cho ra các sản phẩm mới. Có đủ loại từ phấn ngừa mụn, chống lão hóa da đến phấn dành cho trẻ em… mỗi loại được làm từ thứ dược liệu khác nhau, đến nay có đến 22 loại sản phẩm phấn nụ, 4 loại phấn nước nằm trong 11 bộ sản phẩm khác nhau. Nhiều nơi trong cả nước đã đăng ký làm đại lý phấn nụ cho cơ sở này, từ TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu sang tận California (Hoa Kỳ).
Việc làm phấn nụ chủ yếu chỉ thực hiện được trong mùa nắng. “Nguồn cao lanh nguyên chất hiện rất khan hiếm, tất cả các công đoạn sản xuất phải được tuân thủ mất rất nhiều thời gian mà thời tiết của Huế thì rất “đỏng đảnh”. Số lượng sản phẩm hạn chế nên phương án mở rộng quy mô sản xuất vẫn còn bỏ ngỏ” – cô Thùy Nhi cho biết.
NHƯ BÌNH – LAN ANH – DƯƠNG THẾ HÙNG – THÁI LỘC
Copyright (C) 2007 Tuổi Trẻ