Phấn Nụ Huế- từ cung cấm buớc ra cuộc đời- Phấn Nụ Bà Tùng

Phấn Nụ Huế- từ cung cấm buớc ra cuộc đời

Một loại mỹ phẩm độc nhất vô nhị của Huế mà bất cứ người phụ nữ Việt Nam nào đến đây, khi ra về trong túi hành lý cũng phải có ít nhất vài chục thỏi để dùng hoặc làm quà: Phấn nụ. Và cũng vì lý do này mà chúng tôi đã lặn lội khắp những ngõ ngách của Huế để tìm về nguồn cội của một sản phẩm làm đẹp người xưa vẫn còn lưu truyền…

 

Bây giờ ở Huế ngoài chợ Ðông Ba, chỉ còn một vài nơi có bán phấn nụ, nhưng chủ nhân làm ra nó và làm bằng cách nào thì thật không phải dễ tìm. Sau khi đã lặn lội khắp chợ Ðông Ba vẫn không tìm ra địa chỉ, một người bạn mách tôi đến tìm nhà nghiên cứu Phan Thuận An, may ra ông có thể biết được ít nhiều. Tôi đến tìm ông An và ông cho biết, có một gia đình là sui gia của ông, nguyên xuất thân từ trong cung, hiện con cháu vẫn còn thủ đắc nghề truyền thống này. Ðó là gia đình bà Trần Thị Tùng, ở số nhà 22 Tô Hiến Thành, TP Huế, chính là nơi đã sản xuất ra loại mĩ phẩm có một không hai này. 

 

 

Theo nhà nghiên cứu Trịnh Nam Hải, cho biết: Khoảng đầu thế kỷ XIX khi Huế trở thành kinh đô của nhà Nguyễn, cùng với việc thiết thiết lập triều cương, ở chốn cung đình một nhu cầu không thể thiếu đối với các cung tần mỹ nữ đó là làm đẹp và phấn nụ cũng ra đời từ đó. Trải qua hàng trăm năm tồn tại công nghệ làm phấn nụ vẫn là một bí mật được cất giấu kỹ. Ðến năm 1945, triều đại phong kiến cuối cùng sụp đỗ, các cung nữ ra khỏi cung cấm và nhiều người đã mang theo nghề làm phấn truyền bá trong dân gian. Theo bà Trần Thị Tùng, hậu duệ được thụ truyền nghề làm phấn nụ của Huế thì người đầu tiên nắm giữ được kỹ thuật làm phấn nụ là bà ngoại của mình, nguyên là một thị nữ chốn hậu cung. Chính bà này là người thị nữ duy nhất được tin tưởng giao trọng trách nắm giữ công thức pha chế và trực tiếp sản xuất phấn nụ để làm đẹp cho các phi tần. Sau khi bà ngoại xuất cung vì không muốn nghề này bị thất truyền, đã truyền nghề lại cho người con gái là Trần Thị Thiểu (tên thường gọi là bà Hường- gọi theo chồng) tiếp tục sản xuất phục vụ nhu cầu làm đẹp của phụ nữ. Kỹ thuật làm phấn nụ là một nghề gia truyền nên đến nay ngoài người thân trong gia đình không ai được biết công thức pha chế. Trong số 9 người con bà Hường cũng chỉ truyền lại cho người con gái cả là bà Trần Thị Tùng. Bà Tùng qua Mỹ định cư truyền nghề lại cho em gái Trần Thị Ái Thu. Và hiện bà Ái Thu vẫn thực hiện đúng ý nguyên của mẹ mình giữ gìn. Để có những thỏi phấn nụ thành phẩm đạt chất lượng phải trải qua nhiều công đoạn rất công phu, tỉ mỉ, tuân thủ các nguyên tắc bất di bất dịch từ đầu cho đến cuối. Nước phải hứng nước trời, nhưng không phải lấy nước của những trận mưa đầu tiên. Sau khi nước được hứng, người làm phấn phải chưng thật trong và sạch rồi cho vào một cái bể lớn tránh nắng mưa và cất giữ để dùng cho cả năm. Nguyên liệu chính của phấn nụ là nhũ thạch cao, nhưng phải là loại thạch cao truyền thống hảo hạng, trắng, mịn, không có tạp chất. Phấn nụ được chế tác từ thạch cao cộng với trên 10 vị thuốc bắc được chọn lựa cẩn thận không cẩm mốc, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh. Sau khi chuẩn bị xong, nguyên liệu được đưa vào phòng kín, lúc này ngoài bà Tùng và bà Ái Thu ra, không ai được vào. Sau nhiều giờ, sản phẩm được đưa ra ngoài để nhào trộn cho đều nhuyễn, tiếp đó mới đến quy trình nghiêm ngặt phơi sương, phơi nắng…và nhào nặn thành thỏi phấn nụ. Mỗi lần như vậy họ làm hàng tạ để mang đi bán suốt cả năm. Bà Tùng hiện sinh sống tại Mỹ và phấn nụ cũng theo bà đến với các quý bà, quý cô người Mỹ…

 

Giá phấn nụ ở Huế hiện nay được bán khoảng từ 15- 20.000 đồng/ thỏi (ở Mỹ bán với giá từ 15 – 20 USD/ thỏi) chất lượng rất tốt. Khác với các loại mỹ phẩm hiện đại thường hay có những phản ứng về da nếu như sử dụng không đúng cách và phù hợp, phấn nụ có tác dụng duy trì sắc đẹp lâu dài, ngăn chặn sự xuất hiện các vết nhăn và làm mát da rất tốt. Ðiều đặc biệt là phấn nụ không hề có bất cứ phản ứng nào và thích hợp với mọi loại da (lưu ý, đó là phấn nụ chính hiệu, không kể các loại hàng nhái). Có một điều, do cách thức chế tác theo kỹ thuật truyền thống nên màu sắc của phấn nụ ngoài các màu trắng, hồng…hầu như klhông có màu gì mới. Ðó là một nhược điểm mà phấn nụ không bằng các loại mỹ phẩm hiện đại.

Hành trình phấn nụ từ cấm cung bước vào dân gian được lưu truyền qua hậu duệ của những thị nữ, công chúa, cung phi…và đến nay bí mật đó vẫn được cất giữ. Chẳng biết sau này khi những người như bà Tùng, bà Ái Thu không còn, liệu nghề truyền thống này có được tiếp tục lưu truyền cho hậu thế không, nhưng theo chúng tôi phấn nụ là một sản phẩm của Huế, của Việt Nam, nó cần phải có thương hiệu chính thức như các loại mỹ phẩm nổi tiếng khác để bước vào thế giới làm đẹp của phụ nữ một cách tự hào thương hiệu Việt.

Theo hue.vnn.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *